Chính trị & Thời luận

Đề xuất lập 100 trạm thu phí vào nội đô : Hà Nội cần trưng cầu ý dân

15:59 | 29/10/2022

Chia sẻ

QHNNTheo các chuyên gia giao thông, cần đánh giá tổng thể tác động của việc thực hiện Đề án lập 100 trạm để thu phí ôtô vào nội đô Hà Nội...

Theo dự thảo Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.

Theo đề án, từ nay đến năm 2025, TP Hà Nội sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô.

Như Pháp luật Plus đã đề cập trước đó, ngay sau khi đề án vừa bổ sung, hoàn thiện, báo cáo Sở GTVT Hà Nội thì gặp rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luân, Đề án này chưa thích hợp, ảnh hưởng đến quyền đi lại của người dân khi vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Đề xuất lập 100 trạm để thu phí ôtô vào Hà Nội: Cần đánh giá tổng thể tác động của việc thực hiện.

Đề xuất lập 100 trạm để thu phí ôtô vào Hà Nội: Cần đánh giá tổng thể tác động của việc thực hiện.

Trong khi để hạn chế xe cá nhân vào nội đô có thể tính tới những giải pháp khác. Vậy phải chăng, Đề án thu phí vào nội đô sẽ không khả thi trong thời gian tới?.

Hai vấn đề Hà Nội cần giải quyết

Trả lời Pháp luật Plus, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, ông ủng hộ đề án thu phí xe vào nội đô của Hà Nội.

Nhưng TP cần có định hướng lâu dài và theo thông lệ chung của các nước đã triển khai trên thế giới. Việc thu phí vào nội đô thành phố chỉ được thực hiện khi thành phố đã phát triển đến ngưỡng văn minh, hiện đại, hệ thống giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Cụ thể, vấn đề thứ nhất là điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất để thực hiện được đề án này, vận tải công cộng phải phát triển ở một ngưỡng nào đó.

Tàu điện, xe buýt phải giải quyết 50%-70% nhu cầu đi lại của người dân. Song song, Hà Nội phải nhanh chóng hoàn thiện xây dựng các tuyến đường vành đai, các tuyến đường hướng tâm như đã quy hoạch.

Cần đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân trong việc thực hiện Đề án.

Cần đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân trong việc thực hiện Đề án.

Vấn đề thứ hai, trong đề án phải nghiên cứu giải quyết các yếu tố có tác động ngược chiều đối với việc thu phí. Đó là, khi thu phí ô tô thì sẽ có một lượng lớn người chuyển sang dùng xe máy để giảm bớt chi phí. Chính điều này sẽ làm tăng lượng mô tô, xe máy trong nội đô hậu quả ùn tắc vẫn ùn tắc.

Hay như lâu nay Hà Nội có chủ trương giãn dân khu vực trung tâm đó là tại các trường Đại học, Bệnh viện, Cơ quan nhà nước. Nếu thực hiện thu phí thì có cản trở chủ trương giãn mật độ dân, chuyển cơ quan đơn vị ra nội đô hay không?.

Thời gian tới, theo ông Quyền, Hà Nội cần tích cực chuẩn bị điều kiện cần thiết, đánh giá đúng tác động, giải quyết các vấn đề cốt lõi thì mới triển khai thu phí được.

Ví dụ, đề án cho rằng phí thu được sẽ để hoàn vốn cho đầu tư hệ thống trạm là không đúng mà số phí thu được là một trong những nguồn hỗ trợ, bù giá cho người dân di chuyển bằng phương tiện công cộng, khuyến khích người dân đi phương tiện công cộng. Việc hoàn vốn nên chiếm tỉ lệ nhỏ trong số phí thu được.

Cần tính toán lại thời điểm thu phí

Theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, Chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho biết, chủ trương thu phí phương tiện cá nhân không có gì mới, đã được đưa ra bàn cách đây nhiều năm.

Việc này thực chất nhằm mục đích là để hạn chế phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân và ý kiến trái chiều khác nhau mà đến nay đề án này vẫn chưa thể thực hiện được.

Ông Thủy cho rằng, hiện nay, hạ tầng giao thông của thánh phố Hà Nội vẫn đang yếu kém, trong khi giao thông công cộng chưa phát triển, chưa thực sự thuận tiện và mới chỉ đáp ứng được 7-8% nhu cầu đi lại của người dân.

Bên cạnh đó, tuyến đường sắt đô thị là yết hầu của giao thông đô thị và Hà Nội hiện chưa có tuyến đường sắt đô thị nào có thể đưa vào sử dụng được ngay.

Hơn nữa, xe buýt vẫn chưa đáp ứng đủ số lượng khi hạn chế phương tiện cá nhân. Do đó, TP chưa nên nghĩ đến việc thu phí phương tiện vào nội đô. Sau này, có thể khi đã đủ điều kiện cần, điều kiện đủ Hà Nội từng bước có giải pháp hạn chế phương tiện giao thông.

Cũng theo ông Thủy, việc đặt các trạm thu phí này sẽ trở thành gánh nặng và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều người dân. Đề xuất đặt số lượng lớn trạm thu phí như vậy là quá dày đặc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc lưu thông cũng như việc dễ gây ra ùn tắc ở phía cửa ngõ thủ đô.

“Trước mắt, việc lập trạm thu phí chưa hợp lý, thiếu tính khả thi. Trong thời điểm hiện tại và sắp tới, thay vì đề xuất lập trạm thu phí, Hà Nội nên tập trung phát triển, hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng, để đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân", TS Nguyễn Xuân Thủy nêu quan điểm.

Cần trưng cầu ý dân để nắm được ý chí của nhân dân

Ông Lê Thanh Vân – Đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau cho biết: “Đây là đề xuất không mới nhưng giải pháp để hạn chế các phương tiện cá nhân đi vào nội đô là cần thiết.

Việc thu phí nội đô cũng nhằm mục đích này. Tuy nhiên, hạn chế phương tiện cá nhân phải song song với phát triển phương tiện công cộng để thay thế và cân nhức kỹ câu chuyện kinh tế…”.

Ông Lê Thanh Vân – Đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau. Ảnh: Đỗ Đạt

Ông Lê Thanh Vân – Đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau. Ảnh: Đỗ Đạt

Cũng theo ông Lê Thanh Vân, một số nước trên thế giới, thu phí nội đô chỉ thu một lần. Tuy nhiên, văn minh giao thông, hạ tầng giao thông kể cả ý thức tự giác của người dân tại các nước này khác so với ở Việt Nam nên dù chỉ thu một lần nhưng trật tự giao thông được thể hiện rõ qua hiệu quả quản lý.

"Tôi cho rằng cần đánh giá một cách hết sức tổng thể tác động của việc thực hiện đề án, nhất là tác động đến nhân dân. Do đó cần lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi thông qua một tổ chức độc lập, theo Luật Trưng cầu ý dân để nắm được ý chí của nhân dân", đại biểu Lê Thanh Vân nói.

"Tôi rất lo ngại về đề án này vì với 100 điểm thu phí, dự toán khoảng 2.600 tỷ đồng để xây dựng các trạm, chưa nói đến bộ máy hoạt động, tổng thể để chi cho việc thực hiện sẽ "đội" lên bao nhiêu, trong khi chưa thể rõ sẽ thu được bao nhiêu. Đếm đầu xe là 50.000 đồng nhân với mấy triệu xe chỉ là "đếm cua trong lỗ" khi bài học BRT vẫn còn đó", đại biểu Lê Thanh Vân cho biết.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (Tramoc) kiến nghị giữ nguyên lộ trình thí điểm thu phí là vào năm 2024 và đề xuất 3 giai đoạn.

Giai đoạn thí điểm (năm 2024-2025), Hà Nội sẽ thu phí tại một số trục chính bằng cách bố trí 15 trạm thu tại 9 vị trí trên các trục đường nội đô có lưu lượng lớn, nguy cơ ùn tắc giao thông. Sau khi thí điểm có hiệu quả, vùng thu phí sẽ được mở rộng.

Giai đoạn 2 (năm 2026-2030), đơn vị đề xuất mở rộng vùng thu phí ra bờ nam sông Hồng. Khu vực này được giới hạn bởi các đường vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - vành đai 3.

Giai đoạn 3 (sau năm 2031), vùng thu phí mở rộng ra bờ bắc sông Hồng. Khu vực này được giới hạn bởi các đường Nguyễn Văn Linh - Trường Sa - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - vành đai 3.

Mức thu phí được xác định tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt xe. Thời gian áp dụng thu phí xe vào nội đô là 5h-21h. Tổng mức đầu tư cho việc lập hệ thống trạm thu phí vào nội đô dự tính khoảng 2.600 tỷ đồng.

 

 

Duy Khương

Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/giao-thong-do-thi/de-xuat-lap-100-tram-thu-phi-vao-noi-do-ky-2-ha-noi-can-trung-cau-y-dan-d185883.html

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn