Pháp luật & xã hội

Đặc điểm chất lượng xét xử sơ thẩm đối với người chưa thành niên phạm tội

18:14 | 17/06/2013

Chia sẻ

QHNN

(QHNN) - Người chưa thành niên (NCTN) phạm tội, khi có đủ điều kiện chủ thể của tội phạm thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đã gây ra. Do sự hạn chế về khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của người tội phạm ở lứa tuổi này, Nhà nước ta xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với họ nhằm uốn nắn lại sự lệch lạc trong sự phát triển nhân cách, đồng thời tạo điều kiện cho họ hoàn lương, sớm hòa nhập với cuộc sống bình thường của đời sống xã hội. Chính sách hình sự đặc biệt của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với NCTN phạm tội thể hiện ở các nguyên tắc xử lý, các hình phạt, các biện pháp tư pháp thay thế hình phạt áp dụng đối với họ. Điều này đòi hỏi Tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng khác khi xác định được NCTN là người có hành vi phạm tội thì trước hết phải áp dụng nguyên tắc xử lý tại Điều 69 Bộ luật hình sự. thể hiện ở những đặc điểm sau:

Một là, nguyên nhân và điều kiện tình hình phạm tội là tổng hợp những hiện tượng quá trình xã hội, xác định tình hình tội phạm là hậu quả của chúng, đó là toàn bộ những hiện tượng và quá trình xã hội hóa có khả năng làm phát sinh tồn tại tình hình tội phạm. NCTN phạm tội, có thể thấy việc giải quyết vấn đề trách nhiện hình sự của NCTN phạm tội. Việc xét xử hoặc xử lý NCTN phạm tội trước hết chủ yếu nhằm giáo dục là cho người phạm tội nhận thức những sai lầm mà họ đã mắc phải. Mục đích trừng trị, răn đe không đặt ra khi áp dụng hình phạt và các biện pháp tư pháp đối với loại đối tượng này, mục đích là giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Do NCTN phạm tội là người đang trong giai đoạn phát triển nhân cách nên mục đích này phải luôn được coi trọng và đặt lên hàng đầu.

Đặt ra mục đích xử lý NCTN phạm tội là giáo dục họ trở thành người công dân có ích cho xã hội trên cơ sở giúp đỡ họ sửa chữa những sai lầm, phát triển lành mạnh, nói cách khác là áp dụng các biện pháp cần thiết đối với NCTN phạm tội để đạt được mục đích giáo dục họ chứ không đơn thuần chỉ là truy cứu trách nhiện hình sự, xét xử tù có thời hạn... có thể dùng các biện pháp khác như miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, án treo... Bộ luật hình sự ghi nhận yêu cầu này là xuất phát từ việc NCTN là người phát triển chưa đầy đủ về tâm sinh lý, trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống còn hạn chế. Bên cạnh đó NCTN có đặc điểm nổi bật là khả năng thích nghi cao, rễ thay đổi, thêm vào đó là ý thức phạm tội chưa sâu sắc nên khả năng cải tạo, uốn nắn, giáo dục NCTN rất cao. Do chưa phát triển hoàn thiện, đầy đủ về các mặt cho nên không phải trong mọi trường hợp phạm tội cụ thể, NCTN đều có khả năng nhận thức đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện, hậu quả cũng như khả năng điều khiển phạm tội. Vì vậy khi xét xử nói chung và xét xử sơ thẩm nói riêng đối với NCTN, Thẩm phán Tòa án phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội để cân nhắc xét xử đúng với mức độ nguy hiểm cho xã  hội của hành vi do họ thực hiện, vì khả năng nhận thức của NCTN còn hạn chế mà khả năng nhận thức là một trong những căn cứ xác định tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi.

Mặt khác, sự hình thành, phát triển nhân cách và các đặc điểm nhân thân của NCTN chịu ảnh hưởng rất lớn của sự giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Nguyên nhân và điều kiện dẫn đến việc NCTN phạm tội phần lớn xuất phát tư môi trường sống của họ. Vì lẽ đó, khi xét xử hành vi phạm tội của NCTN thì Thẩm phán không những phải xác định năng lực trách nhiệm hình sự của NCTN phạm tội  mà còn phải xác định nguyên nhân, điều kiện phạm tội, từ đó khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử sẽ đưa ra giải pháp, hình phạt thích hợp nhằm cải tạo, giáo dục NCTN có hiệu quả.

Hai là, vấn đề miễn trách nhiệm hình sự đối với NCTN phạm tội là một chế định nhân đạo của Luật hình sự Việt Nam và được thể hiện bằng việc xóa bỏ hậu quả pháp lý của việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm đối với người bị coi là có lỗi trong việc thực hiện hành vi đó. Như vậy, bản chất pháp lý của chế định miễn trách nhiệm hình sự là hậu quả của việc hủy bỏ hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm khi có các căn cứ do pháp luật hình sự quy định, tức là khi xét xử, Tòa án căn cứ vào các hành vi cụ thể để miễn trách nhiệm hình sự cho người tội phạm. NCTN phạm tội được hoặc có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 25 và khoản 2 điều 69 BLHS.

Ba là, việc truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng hình phạt không đặt vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mọi trường hợp NCTN phạm tội mà chỉ tiến hành việc làm này trong những trường hợp “cần thiết”. Chỉ trường hợp cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền mới truy cứu trách nhiện hình sự và áp dụng hình phạt đối với NCTN phạm tội. Nếu xét thấy không thật sự cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp khác như xử lý hành chính, miễn trách nhiệm hình sự... ngay cả khi đã truy cứu trách nhiệm hình sự, cùng với việc tuyên bố bị cáo phạm vào một tội cụ thể, Hội đồng xét xử phải quyết định việc có áp dụng hình phạt đối với NCTN hay không. Nếu có đủ căn cứ xác định về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, các đặc điểm về nhân thân, yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm mà không cần thiết áp dụng hình phạt đối với NCTN thì Hội đồng xét xử phải áp dụng các biện pháp tư pháp thay thế hành phạt có tính chất giáo dục, phòng ngừa đối với họ được quy định tại điều 70 BLHS, đó là:

a) Giáo dục tại xã, phường, thị trấn;

b) đưa vào trường giáo dưỡng. Đây cũng là một trong những trường hợp miễn hình phạt, cho nên cần phải tuân thủ các quy định về việc miễn hình phạt nói chung được quy định tại điều 54 BLHS là có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại điều 46 BLHS và đáng được khoan hồng đặc biệt, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này thể hiện chủ trương dành tất cả những gì tốt nhất cho NCTN và cũng nhằm thực hiện chủ trương tiết kiệm cưỡng chế hình sự của Nhà nước ta. Sự “cần thiết” hay “không cần thiết” ở đây được xác định căn cứ vào:

+ Tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đã thực hiện. nếu hành vi phạm tội của NCTN có tính chất không lớn thì không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ.

+ Đặc điểm nhân thân NCTN phạm tội. Nếu NCTN lần đầu phạm tội, có nhân thân tốt thì cần thiết phải cân nhắc việc có truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ hay không.

* Yêu cầu cụ thể của việc phòng ngừa tội phạm đối với bản thân NCTN phạm tội và đối với người khác trong xã hội.

Đây là những yếu tố xác định tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và khả năng cải tạo giáo dục đối với NCTN. Do đó khi xét xử thì Thẩm phán phải cân nhắc đến các yếu tố này nhằm bảo đảm tốt nhất quyền con người của NCTN, thực hiện triệt để chủ trương tiết kiệm cưỡng chế hình sự.

Bốn là, không áp dụng hình phạt chung thân, tử hình đối với NCTN phạm tội. Quy định này không những thể hiện tính nhân đạo trong quyết định hình phạt đối với NCTN phạm tội, mà còn phù hợp với xu hướng chung của thế giới là từng bước tiến tới bãi bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình. Đồng thời, quy định này cũng là những đòi hỏi bắt buộc quy định tại Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị 1966 và Công ước về quyền trẻ em năm 1989.

Nhằm tăng cường khả năng áp dụng các hình phạt không phải là hình phạt tù, hạn chế áp dụng hình phạt tù, Luật sửa đổi, bổ sung “khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng các hình phạt tù” để mở ra khả năng cho NCTN tự cải tạo, giáo dục sớm hoàn lương, trở thành người có ích. Điều này thể hiện chủ trương “chỉ áp dụng hình phạt tù đối với trẻ em khi đó là biện pháp cuối cùng và trong thời gian thích hợp ngắn nhất, đảm bảo không trẻ em nào bị tước quyền tự do một cách bất hợp pháp hoặc tùy tiện” được quy định tại điểm b điều 37CRC. Bộ luật hình sự năm 1999 quy định có bốn loại hình phạt được áp dụng đối với NCTN (điều 71 BLHS) trong đó chỉ có một hình phạt tước tự do là tù có thời hạn. Điều này xác định hạn chế áp dụng hình phạt tù cho thấy chủ trương của Nhà nước ta là hạn chế tối đa tước quyền tự do đối với NCTN phạm tội mà luôn tạo điều kiện thuận lợi để họ trở về với gia đình, được nhận sự giáo dục, chăm sóc từ gia đình để cải tạo họ thành người có ích cho xã hội, bởi môi trường gia đình chính là nơi tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của NCTN, đây cũng chính là nơi mà NCTN được hưởng các quyền được sống chung với cha mẹ, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng...

Cũng xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo, đối với NCTN phạm tội khi buộc phải áp dụng hình phạt tù thì mức hình phạt áp dụng đối với họ phải thấp hơn so với người thành niên (điều 74, 75 BLHS).

Bên cạnh đó, không được áp dụng hình phạt tiền đối với NCTN niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và cũng không được áp dụng hình phạt bổ sung đối với NCTN phạm tội. Yêu cầu này xuất phát từ thực tiễn nếu áp dụng hình phạt tiền và các hình phạt bổ sung đối với NCTN phạm tội là không có ý nghĩa thiết thực, không đảm bảo tính khả thi trên thực tế.

Đối với NCTN phạm tội khi chưa đủ 16 tuổi đã bị kết án thì án đã tuyên không được tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. Nghĩa là sau khi bị kết án, tuy chưa được xóa án tích, nếu NCTN phạm tội mới (cả  khi họ đã thành niên) thì bản án đã tuyên đối với tội do người đó thực hiện khi chưa đủ 16 tuổi không có ý nghĩa trong việc xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm theo điều 49 BLHS. Tuy nhiên, đối tượng NCTN phạm tội mới được áp dụng nguyên tắc này cần phân biệt rõ là:

- Người từ đủ 16 tuổi trở lên bị kết án về tội phạm được thực hiện khi chưa đủ 16 tuổi, chưa được xóa án mà lại phạm tội do lỗi cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do lỗi vô ý thì không bị coi là tái phạm.

- Người đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đắc biệt nghiêm trọng do cố ý được thực hiện khi chưa đủ 16 tuổi, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý thì không bị coi là tái phạm nguy hiểm (có thể người này vẫn bị coi là tái phạm).

Điều này thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta vừa là bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, cũng vừa bảo đảm sự phát triển bình thường, không thành kiến, tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng và tránh cho NCTN bị mặc cảm tội lỗi của bản thân khi họ phạm tội ở đổ tuổi dưới 16 tuổi.

Trần Văn Chinh

* QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY

Nguồn:

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn