Bảo vệ người tiêu dùng

Công ty New Star Việt Nam bị tố xâm phạm bản quyền nhãn hiệu “VinaPump”

18:30 | 22/03/2022

Chia sẻ

QHNNDù Luật Sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực từ nhiều năm nay nhưng không ít doanh nghiệp đang bị xâm phạm quyền lợi mà chưa biết cách xử lý và tự bảo vệ mình.

Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều nhãn hiệu có tên giống nhau hoặc gần giống gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của người tiêu dùng ngoài ra còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín trong kinh doanh của doanh nghiệp bị xâm phạm nhãn hiệu.

Theo phản ánh của Công ty CP Cơ điện Tân Hoàn Cầu (Công ty Tân Hoàn Cầu), việc nhãn hiệu “VinaPump” đã được công ty đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, tuy nhiên Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại New Star Việt Nam (Thôn Thượng Phúc, Xã Tả Thanh Oai, Huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) đang xâm phạm quyền hoặc giả mạo đối với nhãn hiệu “VinaPump” gắn trên sản phẩm máy bơm và hộp đựng sản phẩm này.

 Sản phẩm máy bơm nước chân không NEWSTAR 200 W đang bán trên thị trường. 

 Sản phẩm máy bơm nước chân không NEWSTAR 200 W đang bán trên thị trường. 

Phía Công ty Tân Hoàn Cầu cho rằng, nhãn hiệu “VinaPump” được công ty bảo hộ với sản phẩm máy bơm nước thuộc nhóm 07 theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 122928 do Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp ngày 13/04/2009, giấy này có giá trị đến 13/11/2027 và có thể gia hạn.

Công ty Tân Hoàn Cầu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh quạt công nghiệp, máy bơm nước...Khởi đầu từ một cơ sở sản xuất nhỏ trong những năm cuối thập niên 90 và chính thức đăng ký lên công ty từ năm 2002 với tên gọi Công ty TNHH Cơ Điện Hoàn Cầu.

Nhãn hiệu “VinaPump” được công ty Công ty Tân Hoàn Cầu chọn gắn liền với sản phẩm máy bơm nước vì vậy công ty đã nộp đơn lên Cục Sở hữu Trí tuệ vào cuối năm 2007 và được cấp bảo hộ nhãn hiệu vào tháng 04/2009 đến nay đã gần 15 năm. Để xây dựng và phát triển một nhãn hiệu có tiếng tăm, tạo dấu ấn trong người tiêu dùng và trên thị trường chủ sở hữu nhãn hiệu đó đã phải đầu tư rất nhiều về kinh tế, nhân lực và cả thời gian mới có được. Tuy nhiên, nhãn hiệu đó bị người khác sử dụng sản xuất cho ra thị trường các sản phẩm kém chất lượng khiến khách hàng hiểu lầm và quay lưng lại với sản phẩm làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh trong kinh doanh của mình là điều không ai mong muốn.

Theo khoản 14 Điều 1 của Luật Sở hữu trí tuệ, Công ty Tân Hoàn Cầu là chủ sở hữu nhãn hiệu “VinaPump” theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên vì vậy Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại New Star Việt Nam (Công ty New Star Việt Nam) đã mất quyền đăng ký nhãn hiệu “VinaPump”. Đồng thời, Công ty Tân Hoàn Cầu có quyền ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu mà mình đã đăng ký theo quy định tại Điều 125 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Liên quan đến việc nhãn hiệu “VinaPump” của Công ty Tân Hoàn Cầu bị xâm phạm quyền hoặc giả mạo, Công ty Tân Hoàn Cầu đã nộp đơn Giám định sở hữu Công nghiệp tới Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ yêu cầu làm rõ.

mau doi chung

Mẫu yêu cầu giám định. 

Bằng phương pháp giám định và trích xuất từ cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ quản lý xác định Công ty CP Cơ điện Tân Hoàn Cầu là chủ sở hữu của nhãn hiệu đối chứng số 122928 “VinaPump”.

Để đánh giá sản phẩm máy bơm gắn nhãn hiệu “VinaPump” của Công ty New Star Việt Nam có phải là hàng hóa giả mạo đối với nhãn hiệu số 122928 hay không?

Theo kết quả của Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ: “Sản phẩm được bảo hộ trùng với sản phẩm bị xem xét; nhãn hiệu được bảo hộ ‘VinaPump’ khó phân biệt đối với dấu hiệu bị xem xét; việc sử dụng nhãn hiệu ‘VinaPump’ của Công ty New Star Việt Nam là hành vi không được phép“. Từ đó Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ kết luận hành vi gắn nhãn hiệu “VinaPump” của Công ty New Star Việt Nam lên máy bơm nước, vỏ hộp bị coi là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của Công ty Tân Hoàn Cầu.

Để rộng đường dư luận, PV Pháp luật Plus đã đặt câu hỏi xoay quanh việc Công ty New Star Việt Nam bị nghi ngờ xâm phạm quyền hoặc giả mạo đối với nhãn hiệu “VinaPump” do Công ty Tân Hoàn Cầu đăng ký sở hữu nhãn hiệu trước đó.

Thông tin nhanh với Pháp luật Plus ông Nguyễn Văn Quý - Giám đốc, đại diện pháp luật Công ty TNHH Sản Xuất Và Thương Mại New Star Việt Nam cho biết: “Công ty đã nộp đơn chờ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Tuy nhiên, thông tin nhãn hiệu ‘VinaPump’ đã có công ty khác đăng ký công ty mới biết được gần đây vì vậy Công ty New Star Việt Nam có thể thay đổi nhãn hiệu khác với một số sản phẩm của hiện có của công ty”.

Dữ liệu trích xuất từ Thư viện số về sở hữu Công nghiệp (IP LIP) của Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam.

Dữ liệu trích xuất từ Thư viện số về sở hữu Công nghiệp (IP LIP) của Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam.

Đối với hành vi xâm phạm quyền hoặc giả mạo nhãn hiệu và hành vi sử dụng tên thương mại trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người kháctheo đại diện Phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại – Cục Sở hữu Trí tuệ nhận định, “Đây được coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ. Chủ sở hữu có thể gửi đơn đến cơ quan chức năng yêu cầu xử lý theo Luật Sở hữu trí tuệ. Trên cơ sở pháp luật Cục Sở hữu Trí tuệ sẽ cung cấp ý kiến chuyên môn phục vụ việc giải quyết các tranh chấp, vi phạm pháp luật về Quyền Sở hữu Công nghiệp”.

Hành vi sử dụng nhãn hiệu trái phép bị xử phạt hành chính và bị kiện:

Theo điểm c, khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì chủ sở hữu của nhãn hiệu có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cũng theo khoản 1, Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp thì cơ quan có thẩm quyền và hình thức xử lý gồm (1) khởi kiện tại tòa án nhân dân (2) xử phạt vi phạm hành chính.

Đào Xuân

Nguồn: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/cong-ty-new-star-viet-nam-bi-to-xam-pham-ban-quyen-nhan-hieu-vinapump-d178642.html

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn