Bảo vệ người tiêu dùng

Cần mạnh tay xử lý tình trạng lợi dụng mạng xã hội để “bóc phốt” sai sự thật

16:40 | 24/10/2024

Chia sẻ

QHNNMặc dù chưa có thông báo, cảnh báo của cơ quan chức năng thế nhưng một Tiktoker đã lên mạng xã hội “bóc phốt” một sản phẩm cà phê “không tốt cho người tiêu dùng” vì có chứa chất gây ung thư khiến thương hiệu này điêu đứng.

Cần mạnh tay xử lý tình trạng lợi dụng mạng xã hội để “bóc phốt” sai sự thật
 

Cùng với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại.

Bên cạnh việc lan truyền những câu chuyện tốt đẹp thì không ít người lại biến mạng xã hội trở thành công cụ để “đấu tố” nhau, với mục đích câu view, câu like, bội nhọ người khác để phục vụ mục đích cá nhân... mà theo ngôn ngữ của cộng đồng mạng gọi hành động này là “bóc phốt”.

Đặc điểm của các bài “bóc phốt” này là thu hút rất đông lượt xem, chia sẻ, người bình luận do đáp ứng sự tò mò, hiếu kỳ của một bộ phận người dùng mạng xã hội.

Đáng nói, thời gian gần đây, hành vi “bóc phốt” còn có sự tham gia của những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng đến công chúng trên mạng xã hội (KOL).

Không ít người tự cho mình quyền phán xét, kết án, công khai các thông tin, hình ảnh xấu về người khác khi chưa được kiểm chứng.

Việc này dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng. Mặc dù sau đó khi người bị hại lên tiếng và cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, người đưa thông tin sai sự thật bị xử lý theo quy định của pháp luật nhưng danh dự, uy tín cũng khó “cứu vớt” do quá nhiều tài khoản tham gia trào lưu này, các cơ quan chức năng không thể chặn, gỡ hết được thông tin sai sự thật trên không gian mạng.

Như mới đây vào ngày 19/10/2024, một tài khoản Tiktok có tên “CEO Vương Long” (ID: ceovuonglong) với hơn 108 nghìn lượt theo dõi và 2,2 triệu lượt thích đã đăng tải một video công kích một sản phẩm cà phê khiến thương hiệu này “điêu đứng”.

Theo nội dung video được đăng tải, người này đã quy chụp một sản phẩm cà phê đông trùng hạ thảo không tốt cho người tiêu dùng và khuyên “những ai đang up clip về sản phẩm này nên gỡ bài liền”.

Người này còn đưa hình ảnh của sản phẩm dù đã được làm mờ một phần nhỏ nhưng cũng đủ để người xem nhận ra đó là sản phẩm gì, của ai.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sản phẩm cà phê đông trùng hạ thảo trong video nhắc đến là sản phẩm của thương hiệu Laura Coffee do ca sĩ Nhật Kim Anh sáng lập.

Cũng trong video, tài khoản “CEO Vương Long” cho biết sản phẩm này không tốt là do trong sản phẩm có chất tạo ngọt 951 – Aspartame và chất này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh cáo có nguy cơ gây ung thư.

Người này bình luận: “Sở dĩ gói cà phê này phổ biến trên thị trường là do bên này book rất nhiều Tiktoker quảng bá cho nó.

Thật ra các bạn Tiktoker cũng không đủ kiến thức để tìm hiểu được cái chất gây hại của sản phẩm này”.

Từ đó, “CEO Vương Long” khuyên các Tiktoker gỡ các video quảng bá sản phẩm để “bảo vệ sức khỏe cho khách hàng của mình”.

Chỉ sau 4 ngày đăng tải, video này đã thu hút hơn 6 triệu lượt xem với hàng trăm nghìn lượt tương tác, bình luận, chia sẻ.

Đa số các bình luận đều mang tính công kích, kêu gọi “tẩy chay” sản phẩm này.

Điều đáng nói là, chưa có cơ quan chức năng nào đưa ra thông báo hay cảnh báo đây là sản phẩm không tốt cho người tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên, đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: "Danh mục phụ gia được phép sử dụng tại quy định của Bộ Y tế và tiêu chuẩn mới nhất của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế CODEX, vẫn đang cho phép sử dụng Aspartame (INS 951) làm phụ gia thực phẩm với chức năng là chất tạo ngọt, chất điều vị.

Theo đó, những phụ gia thực phẩm được quy định trong tiêu chuẩn này đã được Ủy ban chuyên gia về phụ gia thực phẩm của Tổ chức Nông Lương quốc tế (FAO)/Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiên cứu, đánh giá và đưa ra bằng chứng khoa học là không gây ra các rủi ro về sức khỏe cho con người khi sử dụng trong thực phẩm với hàm lượng không vượt quá mức sử dụng tối đa đề xuất tại Tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, đại diện diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng lưu ý, phụ gia thực phẩm này được quy định sử dụng trong một số nhóm thực phẩm và mức sử dụng tối đa cụ thể, không phải sản phẩm thực phẩm nào cũng được dùng.

Có thể thấy, việc sử dụng phụ gia thực phẩm Aspartame (INS 951) để làm chất tạo ngọt không hề bị nghiêm cấm. Thế nhưng việc đưa thông tin kiểu nhập nhằng nửa vời, thiếu sự thật của tài khoản “CEO Vương Long” có thể khiến người xem hiểu lầm về sản phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp.

Được biết về phía thương hiệu bị “bóc phốt” nói trên đang làm việc với các chuyên gia pháp lý để bảo vệ thương hiệu. Thế nhưng với hàng triệu lượt xem, chia sẻ thì thương hiệu này cũng đã bị thiệt hại rất lớn về uy tín sản phẩm.

Không những thế, trên trang cá nhân tài khoản “CEO Vương Long” còn đăng tải rất nhiều video phân tích nói về nhân tướng học của những người nổi tiếng (như Hoàng Hường, Lý Hải, Ngô Kiến Huy, Phương Hằng, Huyền Phi, Vũ Lô Hội…). Nội dung các video dựa trên đặc điểm ngoại hình từ đó nhận xét về tính cách của con người. Trong đó chỉ từ vẻ bề ngoài mà người này đưa ra những nhận xét không tốt về con người, khiến người xem có ấn tượng không tốt, thậm chí là ác cảm với người được nhắc đến. Các video clip này thu hút rất nhiều lượt xem và lượt bình luận.

Đơn cử như vụ cô giáo xin laptop tại TP HCM từng thu hút sự quan tâm của dư luận, tài khoản “CEO Vương Long” đã đăng tải video nói về lỗi nhân tướng học của cô giáo trong vụ việc. Trong đó, từ những đặc điểm trên khuôn mặt, người này đã có những nhận xét như: “cô này là người rất bảo thủ, không có thực lực, dễ giận, lâu quên, chủ nghĩa cá nhân, luỵ tình, hơi thiếu lịch sự, keo kiệt, tư lợi nhiều…” Đây là những phán xét không có căn cứ, tạo ác cảm với người khác, khiến cô giáo trong vụ việc trở thành đối tượng bị cộng đồng mạng xúc phạm, “ném đá”.

Cần mạnh tay xử lý tình trạng lợi dụng mạng xã hội để “bóc phốt” sai sự thật
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, việc lợi dụng mạng xã hội để bóc phốt, lăng mạ, xúc phạm các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không đưa ra bất cứ bằng chứng hay kết luận nào của cơ quan chức năng không chỉ gây bức xúc dư luận xã hội; xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà còn có thể hủy hoại môi trường mạng, là nguồn cơn cho những tệ nạn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật khác.

Luật sư Diệp Năng Bình dẫn chứng một số trường hợp nạn nhân là cá nhân vì không chịu nổi đả kích nên đã bị tổn thương nặng nề về tâm lý, trầm cảm, không làm chủ được bản thân thậm chí là tự sát. Còn với nạn nhân là cơ quan, tổ chức, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì có thể bị giảm uy tín, hiệu quả kinh doanh, cạnh tranh trên thị trường. Một số doanh nghiệp đã phải chuyển địa điểm kinh doanh thậm chí là giải thế, phá sản.

Chính vì vậy, Luật sư Bình cho rằng cơ quan chức năng cần chủ động kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm nếu có để đảm bảo môi trường không gian mạng được trong sạch, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Về góc độ pháp lý, theo Luật sư Diệp Năng Bình: “Giả sử việc sử dụng mạng xã hội để bóc phốt cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà không có đủ bằng chứng chứng minh hoặc kết luận của cơ quan chức năng thì có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính thậm chí là truy cứu tránh nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có)”.

Cụ thể, theo điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP) của Chính phủ, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Thêm vào đó, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật. Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần cá nhân vi phạm

Ngoài ra, nếu hành vi trên có đủ yếu tổ cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo Điều 155 và/hoặc Điều 288 và/hoặc Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể:

Theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội làm nhục người khác (không áp dụng với pháp nhân thương mại) thì người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo đến cao nhất là 05 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo Điều 288 quy định về tội quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (không áp dụng với pháp nhân thương mại) thì người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến cao nhất là 07 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bên cạnh đó, theo Điều 331 quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (không áp dụng với pháp nhân thương mại) thì người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt cảnh cáo đến cao nhất là 07 năm tù giam.

Quỳnh Anh

Nguồn: https://phapluatplus.baophapluat.vn/can-manh-tay-xu-ly-tinh-trang-loi-dung-mang-xa-hoi-de-boc-phot-sai-su-that-203824.html

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn