Chính trị & Thời luận

Bức ảnh “Bác Hồ đội mũ Hải quân”, chuyện giờ mới kể!

16:24 | 09/07/2015

Chia sẻ

QHNN Vẫn ánh mắt ấy - một niềm tin sắt son, niềm tự hào và niềm vui không kể xiết của một chàng thủy thủ trẻ tuổi khi được tặng chiếc mũ Hải quân tới Bác Hồ. Sau hơn 53 năm kể từ ngày Cựu chiến sĩ Nguyễn Viết Khoan tặng Bác Hồ chiếc mũ Hải quân khi Bác Hồ và gặp Anh hùng vũ trụ Liên Xô Giéc-man Ti-tốp khi có chuyến thăm Vịnh Hạ Long ngày 22/01/1962, chúng tôi may mắn đã có dịp gặp ông.

Sinh ra trên mảnh đất Thanh Giang anh hùng (huyện Thanh Chương – Nghệ An), năm 1958, cùng với bao bạn bè tuổi mười tám, đôi mươi, ông Nguyễn Viết Khoan lên đường nhập ngũ và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hào hùng trong đội quân chủ lực giải phóng Đồi A1, giành chiến thắng oanh liệt, chấn động địa cầu. Năm 1955, ông là một trong số một trăm chiến sĩ Hải quân ưu tú có mặt trong đoàn học viên Đoàn 100 được cử sang nước bạn Trung Quốc để học tập, đào tạo sau đó về làm lực lượng nòng cốt của Hải quân nhân dân Việt Nam. Năm 1960, đơn vị ông được nhận con tàu gỗ du lịch Hải Lâm do Trung Quốc tặng Bác. Ông Nguyễn Viết Khoan đã phục vụ và gắn bó cả cuộc đời mình trên con tàu này. Từ một thủy thủ, ông trở thành thuyền phó rồi thuyền trưởng và vinh dự bốn lần đón Bác Hồ và các đoàn khách quý của Bác, một lần đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra thăm Vịnh Hạ Long. Đối với người chiến sĩ Hải quân ấy, kỷ niệm về những ngày tháng trên biển đến tận bây giờ vẫn còn nguyên vẹn.

Bức ảnh nổi tiếng “Bác Hồ đội mũ Hải quân”. Ảnh: VŨ ĐÌNH HỒNG
Bức ảnh nổi tiếng “Bác Hồ đội mũ Hải quân”. Ảnh: VŨ ĐÌNH HỒNG

Ngôi nhà ông Nguyễn Viết Khoan trưng bày dày đặc những bức ảnh về Bác Hồ. Trong đó đáng chú ý là bức ảnh ông Khoan chụp chung với Bác và Anh hùng vũ trụ Liên Xô Giéc-man Ti-tốp trong chuyến thăm Vịnh Hạ Long ngày 22/01/1962. Ông Khoan nhớ lại: “Sau khi thăm Vịnh một vòng, lúc tàu Hải Lâm trở về bến cảng, đông đảo chiến sĩ hò reo phấn khởi, G.Ti-tốp lấy làm thích thú xoay phải xoay trái tay lái con tàu, trong ca-bin buồng lái bấy giờ là một không khí thân thiện, thắm tình hữu nghị Việt – Xô. Lúc đó Bác Hồ hướng về phía chiếc mũ Hải quân đặt trên ca-bin và ướm vào đầu mình. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tiến nâng chiếc mũ sĩ quan mời Bác đội, Bác trả lời:
Không, Bác muốn đội mũ chiến sĩ, mũ thủy thủ. Bác đã từng làm thủy thủ.
Bác quay sang hỏi tôi:
Chú Khoan xem Bác đội đúng kiểu Hải  quân không?
Ngắm nghía giây lát, tôi mạnh dạn thưa:
Thưa Bác, theo điều lệnh Hải quân thì mép mũ bên trái cách lông mày trái một đốt ngón tay, còn mép mũ bên phải cách lông mày phải 2 đốt ngón tay ạ.
Bác vui vẻ:
Vậy chú sửa lại cho bác xem nào?
Nói xong, Bác Hồ đứng nghiêm trang như một chiến sĩ. Tôi nâng chiếc mũ lên đội cho Bác đúng như qui định. Đúng lúc đó Nhà nhiếp ảnh Vũ Đình Hồng liền bấm máy”.
 
Bức ảnh Bác Hồ chụp chung với Anh hùng Giéc-man Ti-tốp do Nhà nhiếp ảnh Vũ Đình Hồng chụp.
Bức ảnh Bác Hồ chụp chung với Anh hùng Giéc-man Ti-tốp do Nhà nhiếp ảnh Vũ Đình Hồng chụp.   

Sau chuyến thăm, chiếc mũ của người thủy thủ Nguyễn Viết Khoan vinh dự được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Hải quân cùng với tấm ảnh lịch sử “Bác Hồ đội mũ Hải quân”. Như mệnh lệnh không lời hiệu triệu, hơn 50 năm qua, bức ảnh quý ấy luôn nhắc nhở lớp lớp những người lính biển phải nhớ lời căn dặn của Người: “Bờ biển nước ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên”.
Người thủy thủ năm xưa nay đã ngoài tám mươi, bước đi đã có phần loạng choạng, giọng nói run rẩy. Tuổi cao sức yếu, hàng ngày phải chiến đấu với nhiều căn bệnh: bệnh xuất huyết não, bệnh động kinh, đã phải cắt bỏ đi 2/3 dạ dày. Viên đạn và vết thương ở chân mà năm xưa ông đã bị trúng trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhưng hình ảnh về Bác, về những ngày tháng hoạt động trong lực lượng Hải quân vẫn không chút phai mờ. Chỉ tay vào ngôi nhà mới do Quân chủng Hải quân xây tặng năm 2010, ông Khoan phấn khởi: “Cuộc đời tôi chịu ơn Đảng và Chính phủ rất lớn, ngôi nhà này nhờ tấm lòng của lực lượng Hải quân mà có, vết thương dưới bụng cũng nhờ các y bác sĩ bệnh viện Hải quân chữa trị”.
 
 Thanh Bình - Bích Thắm
* QUÊ HƯƠNG NGÀY NAY

 
 
Gia cảnh khốn khó của cựu chiến sỹ Hải quân
 
Ông Nguyễn Viết Khoan kể lại kỷ niệm. Ảnh: THANH BÌNH
Ông Nguyễn Viết Khoan bồi hồi kể lại kỷ niệm. Ảnh: THANH BÌNH   

Sau khi nghỉ hưu, sức khỏe ông Nguyễn Viết Khoan yếu hẳn. Từ một chàng thủy thủ mạnh mẽ ngày nào, giờ đây cuộc sống của ông phụ thuộc hẳn vào con cái. Vợ của ông, bà Hồ Thị Hảo bỗng chốc mắc chứng bệnh thần kinh. Mỗi ngày đi qua là thêm nhiều nỗi lo chồng chất khi người vợ hiền ngày xưa giờ suốt ngày lang thang ngoài đường, trong khi cái bụng ông ngày một đau khi 2/3 dạ dày đã bị cắt bỏ, cộng thêm bệnh xuất huyết não, động kinh đã làm ông yếu hẳn.
Hiện nay, ông sống cùng gia đình con trai. Gia đình bé nhỏ ấy cũng chẳng mấy lúc có tiếng cười khi đứa cháu nội của ông Khoan bị di tật bẩm sinh. Ở cái tuổi "xế chiều", niềm mong mỏi cuối cùng của cựu thủy thủ ấy là có được những chính sách hỗ trợ từ các cấp, các ngành.

 

Nguồn:

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn