Chính trị & Thời luận

'Người hàng xóm tốt bụng'

00:00 | 21/03/2018

Chia sẻ

QHNN Có lẽ, từ trước đến nay, không một nguyên thủ quốc gia nào khi ra đi lại được dân gọi như thế, như trường hợp của cố Thủ tướng Phan Văn Khải.

 
 
Một người dân xúc động trước linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Một người dân xúc động trước linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Một phụ nữ 67 tuổi, cư dân nơi ông sống tại Củ Chi, dẫn cháu gái nhỏ đến viếng đám tang và nói: “Đường sá, trường lớp quanh đây khang trang cũng nhờ cậu Sáu (danh xưng mà bà con ở đây trìu mến gọi ông Khải) vận động xây dựng. Tụi tui coi cậu Sáu như một người hàng xóm tốt bụng”. Dẫn cháu gái đến viếng ông Khải, bà mong muốn sau này cháu sống tốt như ông, được nhiều người trọng.

Trong mấy ngày qua, tại nhà riêng của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ở xã  Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đã có rất nhiều người dân đến viếng ông, kéo dài đến tận đêm khuya. Không chỉ những cư dân vùng đó mà có nhiều người từ những địa phương khác cũng đến, họ đi bằng xe máy, mang theo cả gia đình, trẻ em. Đó là một sự thể hiện tình cảm mộc mạc, chân thành mà người dân dành cho một cán bộ lãnh đạo cao cấp, từng gắn bó nhiều năm với thành phố này. Riêng chỉ điều này thôi cũng đủ để hiểu được ông Phan Văn Khải là con người như thế nào, ông sống với mọi người ra sao, chưa nói đến công trạng của ông cống hiến cho đất nước. Chắc chắn, không có nhiều người như ông, được nhân dân quý mến, kính trọng và bày tỏ sự thương tiếc xuất phát từ tâm can mình.

“Nghĩa tử là nghĩa tận”, đạo lý là như vậy nhưng với trường hợp của ông Phan Văn Khải, cái nghĩa mà bà con cô bác dành cho ông sẽ không bao giờ “tận” cả. Ông mất đi để lại tiếc thương cho mọi người và sự ra đi đó vẫn còn cống hiến cho đất nước theo nghĩa là treo một tấm gương lớn của người cán bộ cách mạng, người lãnh đạo vì dân.

Từ nay, vắng bóng bác Sáu Khải bình dị trong quán cắt tóc người Củ Chi, hàng xóm không còn người bạn trà tâm đắc Hai Khải, cô bác không còn được thấy “ông già Củ Chi” nón lá, áo thun đi thăm hỏi mọi người, cho sách thiếu nhi..., nhưng có lẽ còn mãi trong tâm khảm người dân và trong những câu chuyện với con cháu mai sau về một nguyên thủ quốc gia mà gần gũi, thân thương như người nhà, như cha chú. Xin thắp nén hương lòng, vĩnh biệt ông, một tấm gương chói ngời, tiêu biểu trong một giai đoạn lịch sử nước nhà!

Phaly
Nguồn: Phapluatplus

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải.


Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải quê tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Ông tham gia phong trào cách mạng rất sớm (từ năm 1947, gia nhập Đội Thiếu nhi cứu quốc của xã), vào Đảng khi chỉ mới 26 tuổi. Đến năm 1954 ông tập kết ra Bắc, làm công tác nông thôn.

Cụ thể, từ năm 1947-1954, ông tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp tại miền Nam. Từ năm 1954-1960, tập kết ra miền Bắc, làm công tác nông thôn.

Giai đoạn 1960-1965, ông học tập tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân Moscow (Liên Xô trước đây).

Từ năm 1965 tới 1972, công tác tại Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước. Từ năm 1973 tới 1975, công tác tại Uỷ ban Thống nhất của Chính Phủ.

Ông cũng có thời gian dài đảm nhiệm các chức vụ khác nhau tại TPHM. Từ năm 1976 tới 1978, ông là uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch TPHCM. Trong 6 năm tiếp theo, từ 1979 tới tháng 6/1985, ông là uỷ viên thường vụ Ban chấp hành Đảng bộ, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân, kiêm chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch TPHCM. Từ tháng 7/1985 tới 8/1989 ông đảm nhiệm chức vụ Phó bí thư thành uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP HCM.

Trong giai đoạn này, ông trở thành Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng (năm 1982) rồi thành Uỷ viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng (năm 1984).

Từ tháng 3/1989-8/1991, ông ra Hà Nội làm Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch Nhà nước. Ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tại kỳ họp QH lần thứ 9, Quốc hội khoá VIII. Cũng trong kỳ Đại hội Đảng lần thứ 7, đầu năm 1991, ông được bầu làm Uỷ viên Bộ Chính trị

Tháng 9/1992, ông được Quốc hội khoá X phê chuẩn làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Trong bài phát biểu nhậm chức khi đó, Thủ tướng Phan Văn Khải bày tỏ, ông tâm niệm, học tập các bậc đàn anh đi trước kinh nghiệm chuyển giao nhiệm vụ cho thế hệ kế tiếp, thực hiện sự chuyển tiếp đúng lúc, bảo đảm thế ổn định và không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ. Đó là nhiệm vụ mà ông xác định phải thực hiện tốt trong nhiệm kỳ công tác mới của mình, sau 6 năm giữ cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ.

Sau nhiệm kỳ Quốc hội khoá X, tháng 7/2002, ông tiếp tục được bầu làm Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp thứ nhất QH khoá XI.

Ông đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ trong 9 năm.

Tháng 6/2006, trước Quốc hội, ông xin từ nhiệm sớm 1 năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 đảm nhiệm cương vị người lãnh đạo đứng đầu Chính phủ, thực hiện việc chuyển giao sớm cho người kế nhiệm – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước thềm Đại hội lần thứ 9 của Đảng.

Đảm nhiệm cương vị Phó Thủ tướng rồi tới Thủ tướng Chính phủ trong 15 năm đầu của chặng đường đổi mới, ông Phan Văn Khải được đánh giá là người lãnh đạo tích cực và quyết tâm xây dựng thể chế theo tinh thần đổi mới, phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, đi đôi với mở cửa, hội nhập quốc tế.

Ông là người có công đầu trong việc xây dựng luật Doanh nghiệp 1999, tạo tiền đề phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân. Ông là người nỗ lực thúc đẩy tiến trình Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới. 5 tháng sau thời điểm ông xin từ nhiệm sớm, Việt Nam chính thức ký nghị định thư tham gia WTO (tháng 11/2006) sau quá trình 11 năm đàm phán kể từ thời điểm đệ đơn gia nhập (năm 1995).

Ông là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của nước CHXHCN Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ kể từ năm 1975, đánh dấu tiến trình 10 năm bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ.

Thủ tướng Phan Văn Khải đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng (năm 2014) để ghi nhận những cống hiến của ông trong sự nghiệp cách mạng.

 

 

Nguồn:

© Copyright 2009 quehuongngaynay.vn. All rights reserved.Toàn bộ bản quyền thuộc quehuongngaynay.vn
Website này không chịu trách nhiệm nội dung các trang được mở ra ở cửa sổ mới
Chịu trách nhiệm xuất bản: Luật gia Ngô Doanh (Trưởng ban Biên tập)
Thông tin tòa soạn